LỊCH SỬ HỘI NHỮNG NGÀY ĐẦU


Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (tt)

 

 Lịch Sử Hội: Những Ngày Đầu (số trước)

Chương trước ta ghi một số tiểu vương quan tâm đến việc làm của hai vị, nay có tiểu vương đầu tiên đến thăm trụ sở mới của hội, ở chơi một tuần. Ông Olcott xin tiểu vương vùng Kathiawar đến như người thường với ít kẻ hầu mà thôi, nhưng khi ra đón ông ở trạm xe lửa, ông Olcott thấy có 19 người tùy tùng, còn tiểu vương cho vậy là ít lắm rồi. Nó gồm người hầu riêng, đầu bếp, nhạc công, thợ hớt tóc, và cận vệ. Khi bị ông trách móc, tiểu vương rất ngạc nhiên, nói rằng mang ít người hơn như ông Olcott muốn thì không được, vì nếu ông không dặn, tiểu vương hẳn sẽ mang theo trăm người tùy tùng hay đông hơn !
Ngày 17 tháng 2 ông lại lên thuyền đi Calcutta, tới nơi được tiểu vương ở đây mời ngụ ở nhà khách, còn nhà của tiểu vương thì biến thành bệnh viện vì bệnh nhân tới đông muốn được chữa, và người khác vây quanh xem thành chật cứng. Ông chữa lành nhiều trường hợp, hay ít ra là thấy hết bệnh ngay lúc đó, và ghi rằng ông không biết có lành hẳn về sau hay chăng. Thí dụ người bị động kinh năm, sáu chục lần trong ngày được chữa trong bốn ngày thì hết hoàn toàn, nhưng ông cho rằng có thể sẽ không hết luôn về sau, vì một bệnh với nguyên nhân sâu xa làm động kinh nhiều lần như vậy một ngày thì khó mà chữa dứt chỉ trong vài hôm, người ta sẽ cần chữa phải vài tuần mới có thể nói là sức khỏe bình phục hẳn hay không.
Các trường hợp khác là người mù được sáng mắt (lần đầu lành sáu tháng, được chữa tiếp thì lành thêm một năm, và ông ghi là muốn chữa dứt bệnh họ cần ở cạnh ông để trị mỗi ngày cho đến khi tật hết hẳn), người điếc nghe được trở lại. Có người bệnh viện Calcutta chê, nói rằng không thể chữa được và cho họ về; khi được ông trị hết, y sĩ của bệnh viện dùng dụng cụ kiểm lại và cho đăng xác nhận của họ lên báo.
Do việc làm của mình tại Bengal, ông Olcott được quí mến tới độ người thuộc giai cấp cao nhất ở Ấn là Brahmin quyết định nhận ông vào giai cấp ấy. Một nghi thức long trọng được cử hành, và ông được cho đeo dây của riêng giai cấp Brahmin. Sự chấp nhận ông làm người Brahmin là việc đáng nói, vì chẳng những ông là người tây phương là một ngoại lệ, mà còn công bố mình là Phật tử. Ông tin rằng đặc ân này được ban cho mình như là lời tạ ơn của người Ấn, về việc ông làm sống lại văn chương Phạn ngữ, và khơi dậy quan tâm về tôn giáo trong dân chúng Ấn. Đáp lại thịnh tình này, ông cho biết tuy mình là Phật tử nhưng từ đó về sau, ông luôn luôn đeo sợi dây trên cổ.
Công việc ông mở rộng thêm và ông thành lập trường Ấn giáo cho nam và nữ sinh ở Calcutta, và tự hội viên cho lập chi bộ đầu tiên dành riêng cho nữ giới cũng tại đây. Ngày 12 tháng 3 ông đi Krishnagar, tiếp tục chữa bệnh và nhận hội viên mới. Sau đó là Dacca, ngoài việc làm thường lệ ông còn tiếp xúc với giới trí thức tại đây nên thuyết giảng xong, ông có những buổi trò chuyện về triết lý và Theosophia hết sức thú vị. Tại đây ông kể lại một chuyện cho ta hiểu thêm tầm mức rộng lớn, và thiết yếu mà hội nói chung và ông Olcott nói riêng, đã giúp cho việc làm khôi phục trở lại hiểu biết về Ấn giáo.
Tại nhà cặp vợ chồng viện trưởng Calcutta University, cả hai người đều có học thức cao với ông P.C. Roy là tiến sĩ tốt nghiệp đại học London, ông Olcott được mời vào phòng sách ở nhà họ. Hai người cho ông xem tủ sách gần như toàn là sách của tác giả tây phương, nên khi đến tủ sách chót, ông Olcott làm như muốn tìm một cuốn sách. Chủ nhà hỏi ông muốn quyển chi, ông Olcott trả lời rằng chủ nhân hẳn phải có nơi cho sách Phạn ngữ và những sách Ấn Độ khác.
– Không, đây là tất cả sách, vậy chưa đủ sao ? họ hỏi.
– Đủ à ? ông đáp, chắc chắn là không cho người Brahmin nào muốn biết tôn giáo mình có gì, để trả lời cho những chỉ trích của người ngoại quốc hoài nghi. Tủ sách này có thể chỉ đủ cho người tây phương, ai không biết hay không màng kinh điến Ấn giáo dạy điều gì.
Chủ nhân hơi đỏ mặt. Tuy nhiên kết quà là người này sau đó chuyên cần nghiên cứu kinh điến Ấn giáo, và rồi viết sách tuyên bố ông chấp nhận hoàn toàn quan điểm của tôn giáo tổ tiên mình.
Từ Dacca ông đi Darjeeling thăm chi bộ miền núi cao hai ngày. Ông trở xuống đồng bằng ngày 26 tháng 3 với nhiệt độ hơn 40 độ C; ông bắt chước người bản xứ là bỏ y phục tây phương sát người mà mặc y phục rộng rãi của người Ấn, cảm thấy rất là thoải mái. Ở Darjeeling ông được tiểu vương đón tiếp và mời ngụ nhà khách sang trọng, nay đi tới nơi khác ông qua đêm ở nhà vách tre, mái lá, nhà ọp ẹp có thể bị gió thổi bay bất cứ lúc nào. Rồi ông quay về Calcutta bằng xe lửa, thuyền và xe đò, mong được nghỉ ngơi một chút mà không được toại ý, vì đông bệnh nhân đã chờ sẵn. Ông chữa bệnh nguyên ngày từ sáng đến tối, qua hôm sau mới nhất định không chữa ai nữa để cho mình nghỉ ngơi.
Tới các chi bộ khác, ông vui mừng ghi lại rằng hội viên đã đứng ra tài trợ việc xây trường cho học sinh, với trường dạy Ấn giáo cho học sinh theo tôn giáo này, và dạy Hồi giáo cho học sinh thuộc đạo ấy. Đến một nơi, được cho ngụ tại nhà trọ tồi tàn gần trạm xe lửa, nơi mà các hội viên nghèo ráng hết sức chỉ có thể lo được vậy cho ông, ông ghi là nó vừa ý mình y như khi ông ngụ ở nhà khách tiện nghi của tiểu vương. Mỗi nơi ông đến chuyện diễn ra tương tự như nhau là chữa bệnh, thuyết giảng, họp chi bộ, nhận hội viên mới. Nhiệt độ mỗi ngày là trong khoảng 40 độ C.
Một y sĩ hiện diện trong những buổi chữa trị của ông sau đó viết bài đăng báo, thuật rằng:
– …Chuyện giản dị là những trường hợp mà y sĩ tây phương và bản xứ cho là vô vọng và bất trị, đã được ông Olcott chữa lành …Phương pháp của ông không có gì là bí mật mà ngược lại, ông đặc biệt mời viên chức y khoa chứng kiến cách ông làm và học hỏi nó như là sự kiện khoa học, nếu muốn…
Một trường hợp bệnh nhân có giấy xác nhận là bệnh bất trị, của hai y sĩ nhãn khoa giỏi nhất tại Ấn là y sĩ Cayley và Saunders, mà sau tám tuần được ông Olcott chữa, mắt trái nay có được thị lực trở lại hoàn toàn, mắt phải ngày càng khá hơn. Bài báo viết tiếp:
“Tôi và bạn đồng nghiệp Dumaron đã dùng dụng cụ khám mắt xem xét họ hôm qua, và thấy mắt lành mạnh trở lại, thấu kính mắt khi trước teo lại nay lành mạnh, mạch máu thu nhỏ nay có máu lưu thông và nuôi dưỡng mắt… Bệnh nhân có thể đi lại dễ dàng không cần ai giúp, huyết áp trong nhãn cầu bình thường, và ông nhận được mầu sắc hoa ở xa hơn sáu thước.”
Cho riêng y sĩ này thì mắt trái của chính họ bị mù, với hai y sĩ tại Calcutta là Cayley và Macnamara sau khi khám đã cho là bất trị, và có thể là tật bẩm sinh.
“Nhưng hôm nay, y sĩ Ladli Mohun viết tiếp, sau vài phút chữa cách giản dị, là thổi qua một ống nhỏ bằng bạc, ông Olcott đã làm tôi được sáng mắt trở lại. Ông kêu tôi nhắm mắt phải, và mắt trái từ trước tới nay vô dụng, nay đọc được chữ in bình thường. Có lẽ phải tưởng tượng thì mới rõ xúc cảm của tôi hơn là mô tả.”
Dường như không phải ông Olcott tự mình chữa bệnh mà còn có sự trợ lực khác. Ngày 21 tháng 4 khi chữa một bệnh nhân bị mù mắt, lúc ông đang chú tâm vào việc làm đột nhiên người bệnh mô tả có một người sáng chói, hiền từ đứng nhìn họ. Có vẻ như bệnh nhân thấy phần nào bằng thông nhãn, và thấy qua mi mắt vì đang nhắm mắt. Lời mô tả tỉ mỉ làm ông Olcott nhận ra đó hình ảnh một Chân sư rất tôn kính, sự việc càng thú vị hơn vì ấy là chuyện không ngờ, và hoàn toàn không liên can gì đến tư tưởng của ông lúc đó.
Sự kiện cho thấy việc xẩy ra không phải là thôi miên, hay truyền tư tưởng từ ông Olcott sang người bệnh, vì không có mấy cơ may là người sau sẽ nói thấy một nhân vật mắt xanh, tóc nhạt buông thả, râu nhạt, nét mặt và vóc dáng tây phương; bởi chắc chắn trong giới Brahmin không có truyền thuyết nào về vị đạo sư như thế. Nhưng mô tả này rất chính xác với một nhân vật có thật, một Chân sư đã cho ông hình họa mầu của ngài tại New York trước khi hai vị đi Bombay.
Đêm hôm ấy ông ngủ trên băng ghế ở ga xe lửa để sẵn sàng cho chuyến xe rất sớm, và cũng để tránh cho thân hữu khỏi bị bất tiện phải ra ga đưa tiễn ông lúc mặt trời chưa mọc. Trong những ngày tới, việc ngủ trên băng ở ga diễn thêm vài lần nữa, khi phải đón xe sớm thí dụ ba giờ sáng. Có tiểu vương mời ông ngụ ở nhà khách, tiếp đãi ân cần, trò chuyện vui vẻ và khi ông lập chi bộ thì xin gia nhập nhưng bị từ chối, do cảnh sống của họ. Ông giải thích là như nhiều người khác ở địa vị ấy, tiểu vương bị quan chức trong triều làm hư cả sức khỏe và đạo đức. Dầu vậy hẳn tiểu vương  phải có tâm tốt lành, vì dường như quyết định của ông làm tăng thay vì giảm lòng kính trọng của tiểu vương đối với ông, và về sau tiểu vương có thêm hành vi bầy tỏ thiện chí của mình.

Chương XXIX – XXX
Ceylon và Miền Nam Ấn Độ

Ông trở về Calcutta ngày 14 tháng 5 và sau nửa ngày dưỡng sức, lại lên đường tiếp tục cuộc hành trình các nơi rồi quay lại Madras. Tính ra chuyến đi trong năm dài hơn 11.000 cây số quanh nước Ấn,ông  đích thân chữa 557 bệnh nhân, thăm 13 chi bộ đã có và lập 12 chi bộ mới. Ông ghi thêm là mình ăn chay nhưng khi quá lao lực và suy yếu nhiều, ông được lệnh ăn thịt trở lại, có vẻ như lối ăn này đã cứu mạng ông. Chuyện muốn nói người ta không nên cuồng tín về mặt dinh dưỡng, một cách ăn uống có thể tốt lúc này mà trở thành có hại khi khác. Sau đó ông lại quay về cách ăn chay để mong ngừa bệnh gout di truyền của mình, và thấy rất hiệu quả.
Nhìn lại việc chữa bệnh trong năm 1883, ông tin thật lòng rằng mình không thể nào chịu nổi việc tuôn ra nhiều sinh lực liên tiếp trong thời gian lâu như vậy, trừ phi được các bậc Thầy trợ giúp, tuy không Vị nào nói cho ông hay. Ông bắt buộc phải nhận thức là từ khi có lệnh kêu ông ngưng không chữa bệnh nữa, ông không có năng lực phi thường để chữa như đã làm, và tin là cho dù ráng hết sức, ông cũng sẽ không thể chữa những trường hợp tuyệt vọng mà khi trước ông đã chữa lành thật dễ dàng, chỉ trong vòng nửa tiếng hay ngắn hơn.
Nhiều hiện tượng xẩy ra tại Madras sau khi ông về đây, trong số đó là chuyện sau. Ông chưa thể quyết định là chấp nhận lời mời đi Colombo, hay Allahabad nên đặt thư vào tủ thờ, khóa cửa tủ lại, lập tức mở ra và có lệnh viết tay bằng tiếng Pháp. Thư được viết trong lúc ông đứng đó, và chưa tới nửa phút.
Ông có được trọn một tháng tại Adyar ngồi làm việc ở bàn; đó là thời gian vui vẻ có thêm những việc khác như chữa bệnh, tiếp khách và bàn luận triết lý với HPB.
Ngày 27 tháng 6 ông đi Colombo, tới chỗ ba hôm sau. Lần này chuyện chính là Phật tử nhờ ông biện hộ cho họ với nhà cầm quyền Anh, về việc họ bị người Công giáo tấn công mà không được xét xử. Sự việc mất hai tuần mới xong, rồi ông băng biển trở về Ấn Độ, bắt đầu chuyến đi miền nam Ấn. Có nơi cách xa thành phố khoảng 160 km, đường khó đi, suốt đoạn đường phải dùng xe bò lọc cọc, cơ thể đau như dần và bầm khắp nơi; sau ba ngày làm việc ở đó, cảnh xe bò xóc rêm cả người tái diễn, đưa ông trở lại thành phố. Khi khác, ông lại ngủ đêm trên băng ghế ở ga xe lửa để đón chuyến xe sáng sớm hôm sau.
Đề tài giảng của ông ngoài MTTL còn dựa theo tính chất của nơi ông đến. Tại Ceylon ông nói về Phật giáo, ở miền nam Ấn Độ ông bàn về Ấn giáo, với cử tọa đa số là thành phần trí thức, ông trình bầy tôn giáo theo quan điểm khoa học, và điểm chung ở các nơi là gây quỹ mở trường dạy Ấn giáo, Phật giáo, Hồi giáo cho học sinh. Thế nên kết quả thực tế cho việc thăm viếng chi bộ và diễn thuyết là:
– 43 chi bộ mới được thành lập trên đất Ấn
– Khơi dậy trong quần chúng ý thức về hồi phục triết lý Ấn giáo
– Lập quỹ xây trường và thư viện kinh sách địa phương, hay thư viện tổng quát.
– Còn một mục tiêu cũng đạt được tuy không có thước đo chính xác, ấy là khuynh hướng hay phong trào về thuyết duy vật tại Ấn bị phá vỡ.
Trong tất cả các việc này, ông Olcott tỏ ra hết sức thực tế như đã ghi. Mỗi lần đến nơi nào là có một phái đoàn và đông đảo dân chúng chờ sẵn ở nhà ga chào mừng, cho dù có khi khuya ông mới tới.  Đám đông  có thể lên tới 6.000 người, tại một nơi khi ông đến có 2.000 dân địa phương ra đón với voi của đền thờ, lạc đà đeo chuông, và dàn nhạc. Làm như tất cả đàn ông, đàn bà và trẻ con nơi ấy đều có mặt ở nhà ga. Tối đến khi ông giảng trong đền thờ Ấn giáo, ban tổ chức ước tính có khoảng 8.000 người hiện diện.
Dầu vậy, ông nhận xét trong số đó 4/5 không biết tiếng Anh, tại Ceylon họ tới để xem mặt ông là người da trắng mà là Phật tử; ở nam Ấn Độ dân tới vì nghe tiếng ông bênh vực tôn giáo của họ, và trên hết thẩy ở bất cứ đâu, họ tới để xem chữa bệnh, một hình thức giải trí thú vị, mà không vì chủ ý tâm linh nào. Ông cũng có thái độ thực tế về kết quả của việc chữa bệnh, một số bệnh được chữa lành ngay lúc đó, nhưng ông ghi  là mình không biết những ngày sau bệnh có dứt hẳn hay không.
Xong công việc ông đi gặp HPB ở Ootacamund là vùng cao nguyên. Ông vui mừng có lại sinh hoạt quen thuộc là ngồi bên này bàn làm việc đến khuya lo chuyện hội, giải quyết vấn đề và HPB viết bài ở bên kia bàn. Có lần khi ngồi chung bàn như vậy, ông nhận biết một Chân sư (vô hình) đọc cho bà bài viết sẽ đăng trên tờ The Theosophist. Ai đã quen thuộc với cách làm việc của HPB mà nhìn vào cảnh tượng sẽ hiểu ngay việc gì đang xẩy ra.

Quyển 3 – Chương I

Sau đó, ông đi tới nhiều nơi khác trên đất Ấn để giảng và lập chi bộ mới. Nói chung, HPB chỉ đi hai hay ba lần tới các vùng dự vào việc lập chi bộ mới, còn phần lớn việc này là do ông Olcott phụ trách. Công việc chính của bà là viết sách và lo phần tinh thần tức mặt trong, để phần điều hành và hành chính thuộc về ông Olcott.
Trên đường tới Pondicherry, có người nài nỉ ông chữa bệnh. Chìu ý họ, khi đến một trạm xe ngừng mười phút, ông thấy bệnh nhân đã ngồi trên ghế chờ sẵn, có nhiều người khác đứng quanh. Ông dùng từ lực, còn gọi là nhân điện, chữa tay chân của họ bị tê liệt, làm họ đứng dậy đi lại, và tay nhấc được ghế. Khi còi vang lên cho biết tầu sắp chạy, ông vội vàng chắp tay chào từ biệt và chạy mau về toa của mình; trong khi ấy người bệnh trước kia bị tê liệt nay đứng dậy ra về, có người giúp việc xách ghế theo sau và những người khác lục tục nối đuôi, mà không một ai ngoảnh đầu lại chào ông Olcott.
Cảnh tượng làm bà Blavatsky phật lòng nên bà lớn tiếng phê bình, sự việc chỉ làm ông Olcott cười lớn. Bà chưa hề thấy lòng vô ơn thấp kém như vậy trong đời. Ông hỏi.
- Bà muốn nói sao ?
- Muốn nói sao à ? Coi coi, người đó và bạn họ nài xin ông chữa bệnh, và ông chữa cho họ trên sân ga khi tàu ngưng mười phút. Xong họ thản nhiên bỏ đi không lời cảm tạ hay cái liếc mắt tỏ ý biết ơn. Không chuyện nào tệ hơn chuyện này cả.
Ông bảo nếu HPB thường đi với ông xem chữa bệnh bằng từ lực, hẳn bà sẽ thấy rằng có chưa tới 1% số bệnh nhân bầy tỏ lòng biết ơn thực sự về lợi ích nhận được từ ông. Ông học được bài học theo lời dạy của đức Krishna cho Arjuna, là ta làm việc phải làm và không vướng bận gì vào kết quả của hành động. Nhưng bà không quên được câu chuyện này.

Chương II

Tại Pondicherry, một chi bộ mới được thành lập. Khi về nhà thuật lại chuyện cho HPB, có nhiều người khác ngồi trên sàn quanh bà lắng nghe; ông bận rộn kể chuyện nên không lưu ý đến ai nhưng rồi bà nhìn ông theo một cách riêng và hơi nghiêng đầu, ra dấu cho ông nhìn về bên phải của bà vào một người đàn ông ngồi đằng sau những người khác, người này đáp lại cái nhìn sững sờ của ông với một nụ cười. Đó không ai khác hơn là một trong các vị Chân sư mà ông đã biết hồi ở New York trong thời gian viết bộ Isis Unveiled, ngài không thích tiếng Anh tới độ luôn luôn nói và viết tiếng Pháp khi trò chuyện với ông; ngài là Vị đã trách ông sâu  sắc khi làm hiện ra nhiều cây bút chì mà ông đã do dự không muốn cho ngài, trong thân xác HPB, mượn.
Ông không thể nói là người khác có thấy ngài hay không, nhưng chắc chắn họ không để yên Chân sư như thế nếu nhận ra ngài, vì Chân sư thật oai nghi đối với họ, chẳng khác chi sư tử với chó con. Ông ao ước muốn tới và chào ngài, nhưng mắt Chân sư ra lệnh đừng làm thế, nên ông ngồi trên sàn ở tay trái HPB, nơi ông thấy được trọn Chân sư. Nhóm người không ở lâu sau khi ông đến, và sau khi chắp tay chào HPB như những người khác theo kiểu Ấn Độ, ngài nói vài lời riêng với bà rồi theo họ đi ra. 
Hai vị trở về Madras ngày 23.9.83 nhưng ông chỉ ở trụ sở hội một thời gian ngắn, và lại bắt đầu chuyến đi dài ngày 27.9 lên miền bắc Ấn, làm những việc thông thường như thành lập chi bộ, có buổi hỏi đáp và chữa bệnh. Tùy theo vùng mà mỗi lời chào mừng khi ông đến nơi sẽ được dịch sang nhiều thổ ngữ khác nhau của đất Ấn, thường vào nửa đêm và ngay cả lúc bốn giờ sáng, sau chuyến đi dài bằng xe lửa rêm khắp châu thân, xương cốt rã rời.
Khi tới Bombay, ông được lệnh của Chân sư mình là ngưng mọi việc chữa bệnh cho tới khi có lệnh mới. Lệnh cấm này tới đúng lúc vì ông cảm thấy mình sẽ kiệt quệ nếu áp lực gia tăng mãi. Vì không có chỗ ngụ cho nhóm, chi bộ nơi đây để nhóm ông ở lều thoáng mát trên khoảng đất trống. Nhưng khi mưa lớn tầm tã hai ngày, lều sũng nước, đồ đạc ẩm ướt mốc meo, khu đất thành cái ao cạn. Họ bị nóng sốt và công việc gián đoạn. Chi bộ cho dời họ vào chỗ khô ráo.
Để tránh lẫn lộn trong những chuyến đi xa như vậy, một chương trình luôn luôn được thỏa thuận trước và in ra phân phối cho các chi bộ và nhóm  trên đường, cho biết giờ phút ông đến hay đi ở trạm xe lửa, cùng chi tiết về loại thức ăn, số lượng gỗ đốt để nấu ăn, lượng nước, và số phòng cần dùng. Các chi bộ được chọn đề tài cho buổi thuyết giảng của ông, nhưng thỉnh thoảng họ quên làm cho tới khi ông sẵn sàng lên bục để thuyết giảng.
Sáng hôm sau mọi người dậy lúc 3.30 giờ khuya và lúc năm giờ sáng, đi xe tới Marble Rocks, một thắng cảnh cho khách du lịch đến Ấn. Với ai đã từng thấy thác ở Niger và nhiều con sông lớn trên thế giới thì nơi đây là chỗ nhỏ hơn. Ngày 31 họ đi sang Ghazipore, được vị Tiểu vương đón tiếp nồng hậu, và phải đọc diễn văn bằng Anh ngữ để rồi được dịch sang tiếng Phạn và tiếng Urdu.
(còn tiếp)